Khi tôi mười chín tuổi thì mẹ tôi bị bệnh ung thư và cuộc sống đối với mẹ chỉ có thể đếm được từng ngày. Tôi vừa mới học xong năm thứ nhất của đại học nhưng là chị cả của năm đứa em nhỏ ở ngoại ô, tôi quyết định gác sách tập để thu xếp việc nhà và thuốc thang cho mẹ.
Những gì tôi học được trong một năm thật là kinh khủng. Tôi về nhà vào tháng chín. Mẹ tôi mất tháng giêng. Ba tháng sau, tôi đã nhận thức được một điều thiết yếu: tôi vẫn đang sống. Tôi khoan khoái tận hưởng khí trời mà tôi đang hít thở, cũng như vẻ đẹp kiêu sa của loài thạch thảo hay thủy tiên.
Trở lại trường đại học, bạn bè quanh tôi dường như ai cũng sầu não. Tôi hiểu là mình đã thay đổi đến mức nào: từ nay, cuộc sống đối với tôi như một món quà tặng.
Dĩ nhiên đôi lúc cuộc đời vẫn đen tối. Tôi đã từng trải qua những lúc "lên voi", những lúc "xuống chó". Ở thời buổi mà sự bi quan đang là thời thượng, những khả năng tàn bạo của con người bày biện ra mỗi ngày trên trang nhất các tờ báo.
Tuy vậy, cuộc sống vẫn đẹp biết bao với những quan hệ bạn bè, những cuộc gặp gỡ, những phong cảnh tuyệt mỹ... Chính vì thế mỗi khi cuộc sống bị đe dọa thì ta lại càng gắn bó với nó nhiều hơn. Nếu ta chỉ còn sáu tháng để sống thì ta sẽ dồn hết sức mình để bám víu vào mỗi thời khắc đi qua.
Thế mà ta đã quên nó. Ta có những cái máy điện làm việc nhà, xe cộ, nhà cửa rộng rãi. Tất cả những thứ mà ông bà chúng ta xem như của dành riêng cho những người giàu có. Thay vì hưởng thụ những thứ ấy, ta lại bi quan thấy cái ly đã vơi đi một nửa, ta lại than phiền công việc chiếm hết thời gian và gánh nặng con cái lại đè nặng trên đôi vai chúng ta.
Hãy trung thực. Cuộc sống rất rộng lượng. Và trách nhiệm của chúng ta là làm cho nó đẹp thêm. Đến lượt ta, không để gì lại cho hậu duệ thì thật là xấu hổ so với tất cả những tiện nghi chúng ta đã nhận được.
Thật dễ dàng bào chữa: "tôi không có thời gian". Tôi nghĩ đến cô bạn hàng xóm đã tự nguyện phục vụ quán cơm xã hội trong khu phố hai tuần một lần. Cô có chồng, rất bận bịu và luôn phải lo chăm sóc cho hai con nhỏ.
Một hôm tôi hỏi cô bạn: "bạn xoay sở thế nào mà có thời gian để làm việc này?"
Cô ta chỉ hàng người nối đuôi nhau chờ đợi bên ngoài và trả lời:
- Làm sao mà tôi có thể làm ngơ được.
Câu hỏi không phải là: "ta sẽ làm điều đó chăng?" Mà là chúng ta phải làm. Nhưng trước tiên hãy nhận thức rằng toàn bộ những điều nhỏ nhoi làm cho cuộc sống đẹp hơn biết bao: cảm nhận được hơi ấm của bàn tay con mình, nhìn ngắm chồng đọc sách trong buổi chiều tà, thưởng thức một cuốn sách hay... Tất cả những khoảnh khắc ấy là những hạt vàng rải rác trên lối đi toàn sỏi đá. Lý tưởng là ở chỗ chúng ta khám phá ra chúng mà không cần phải kiếm tìm. Nhưng với một lối sống là không nên mơ mộng.
Đấy là những gì tôi xin đề nghị: tập nhìn nhận những điều tốt đẹp quanh ta và chia sẻ nó cùng mọi người.
Nếu chúng ta đánh mất khả năng tạo bất ngờ cho mình thì những việc buồn đau sẽ giúp chúng ta tìm lại chúng. Sau khi mẹ tôi qua đời, tôi nhận ra rằng cuộc đời là một điều kỳ diệu.
Anna quindlen