Họ là hai anh em ruột mồ côi, lạc mất nhau đã 48 năm.
Cả đêm hôm trước bà Võ Thị Tới không ngủ. Sáng sớm 18-10, bà cùng chồng ra ngã ba Thạch Trụ chờ chuyến xe chở ông Võ Văn Tiếp từ Đà Nẵng vào. Xe dừng ở ngã ba đường, Tiếp - Tới, hai anh em mồ côi từ lúc mới chào đời, gặp nhau trong nước mắt sau dọc dài gian khó quãng đời lưu lạc...
Cháy nhà... mất em
Chuyến xe hôm ấy từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi như chở cả một đời lưu lạc về với hai anh em. Ông Tiếp bước lên xe tay run run khi điện thoại liên tục nhận được cuộc gọi từ Quảng Ngãi giọng nôn nóng “anh tới chưa”?. “Anh đang gần tới rồi em” - ông Tiếp nói xong, mặt nhìn ra phía cửa xe giấu đi dòng nước mắt đang tuôn dài.
Họ lạc mất nhau năm 1964, chỉ ít lâu sau ngày ba mẹ lìa trần. “Sáng ấy, cha mẹ tôi ra đồng thì bị trúng đạn chết. Lúc này tôi mới chập chững lên ba. Em gái tôi mới biết bò dưới nền đất” - ông Tiếp ngậm ngùi. Sau ngày kinh hoàng đó, hai đứa trẻ lăn lóc về nhà người cô ruột. Sống cơ cực với người cô chỉ được ít lâu. Một hôm vào ngày đầu hè, giữa lúc chập choạng tối, Tiếp cầm đèn vào góc nhà tìm em. Dại dột bỏ đèn bên mép cửa, ngọn lửa bén mái tranh. Hoảng sợ, Tiếp lôi xịch em gái ra núp ngoài bụi tre. Căn nhà cháy rụi thành tro cũng là phút giây hai đứa chia lìa.
Đêm đó, hai đứa lạc mất nhau. Em gái được bà ngoại ẵm về nuôi nấng. Còn Tiếp lại lăn lóc theo bước đường tha phương cầu thực của người cô về vùng Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ở với cô được một thời gian nữa, Tiếp được cho đi ở đợ chăn trâu. Tiếp lớn lên với mấy đứa bạn chăn trâu hàng xóm. Mười ba tuổi, Tiếp đã vào rừng oằn lưng gánh củi về. Đêm xuống chui vào căn nhà sát chuồng trâu để qua bao mùa gió rét thấu xương.
Ở đợ đến năm 1982, khi ấy Tiếp tròn tuổi 22. Đứa trẻ chăn trâu không cha mẹ đã bắt đầu nhận ra thân phận của mình. Tiếp muốn ra đi, đi khỏi làng. Từ đó, trong căn chòi nhỏ bên mép chuồng trâu không đêm nào Tiếp ngủ được. Giữa đêm dài lạnh buốt với thao thức “đi khỏi làng”. Nhưng đi về đâu và lấy gì mà đi cứ dằn vặt mãi. Càng suy nghĩ, Tiếp càng bế tắc. Thả trâu trên đồng, Tiếp tranh thủ đi mót lúa. Gần năm trời Tiếp dồn được nửa thùng phuy lúa, đem bán. Chiều hôm trước bán được lúa là sáng hôm sau anh giã từ bạn bè lên đường không để lại một dấu tích.
Mùa hè năm 1982, con đường vào Nam của Tiếp dừng lại ở vùng Trảng Bom (Đồng Nai). Đến nơi, ngày ngày Tiếp đi làm thuê cho người ta, tối đến căng bạt bên vệ đường nằm ngủ. Như trời sắp đặt, năm năm sau Tiếp gặp một cô gái mồ côi, bén duyên vợ chồng. Họ sống với nhau trong cơn đói khó, có hai mặt con.
“Tôi còn một người anh”
Còn Tới, về sống với ngoại. 16 tuổi, ngoại mất. Tới lên đường đi tìm anh nhưng hành trang mang theo chỉ là cái tên của người anh trai. Ban đầu Tới dạt lên Tây nguyên nhưng không lần ra manh mối. Cô xuôi về vùng núi Tánh Linh (Bình Thuận) làm thuê kiếm tiền nuôi ước mơ tìm anh. Đường đời khốn khó cũng chắp nối những mảnh đời vỡ vụn lại với nhau.
Tới gặp một chàng trai cũng mồ côi cha mẹ từ lúc 2 tuổi, không anh em, quê ở Quảng Ngãi lạc bước vào Bình Thuận. “Nhiều đêm vợ tôi nằm khóc nức nở. Cô ấy bảo còn người anh trai nhưng không biết sống hay chết. Thương vợ, nhưng cơm con ăn còn chưa đủ biết lấy tiền đâu đi tìm” - ông Quang, chồng bà Tới kể. Thương anh đến cháy lòng, bà Tới không tìm thấy anh nhưng vẫn nuôi hi vọng anh mình còn sống. Có hôm ra xã làm giấy tờ, Tới điền vào lý lịch “tôi còn một người anh”. Khi người công an bảo phải ghi rõ anh họ tên gì, ở đâu, Tới bảo “không biết” rồi cúi xuống bàn ôm mặt khóc.
Còn ông Tiếp, cuộc đời nghèo túng và sự mặc cảm cản bước đường ông trở lại xóm chăn trâu. Con đường tìm em xa mịt mù. Đã bao lần ông dự tính tìm em nhưng bất thành. Rồi một hôm, bất ngờ có một người khách lạ xuất hiện. Tiếp đứng sững người, nước mắt trào ra khi trước mặt mình xuất hiện một người bạn. Tiếp gọi lớn “thằng Vân chăn trâu”, rồi hai người ôm chặt lấy nhau. Vân dưới Sài Gòn lên tìm bạn. Thấy ông Tiếp nghèo khó, từ đó mỗi lúc rảnh rỗi ông Vân hay lên xuống Trảng Bom giúp ông Tiếp. Rồi một ngày đầu tháng 10-2012, ông Vân lên Trảng Bom chơi. Gặp lại bạn, ông Vân nói: “mình về tìm lại mấy đứa chăn trâu coi thử nó sống chết răng rồi”. Hai đứa con gái ông Tiếp đứng bên thấy cha khóc, đêm đó động viên ông phải trở về. Sáng hôm sau đứa con gái lớn chạy đi mua cho cha bộ đồ mới.
Cuộc gặp nghẹt thở
Về chốn cũ xã Hòa Liên (Đà Nẵng), mọi thứ đã đổi thay. Mấy đứa bạn thuở chăn trâu giờ trên tuổi 50. Chiều hôm ấy họ đứng chết lặng nhìn nhau, nhận ra nhau qua vết sẹo trên mặt. Đêm xuống, cạn chén rượu mừng ngày gặp lại. Đến giữa khuya khi chén rượu đã tàn, sương đêm xuống. Bỗng nhiên Tiếp ngẩng mặt lên trời dốc ngược cạn ly rượu, ôm mặt khóc đau đớn: “Tau còn đứa em gái, không biết nó còn hay chết ở phương nào”. Mấy người bạn động viên ông Tiếp giờ đi tìm em cũng như lạc vào đêm tối, bởi người em lưu lạc 48 năm không để lại dấu tích gì, biết bắt đầu từ đâu. Vậy mà giữa đêm tối như nói trong cơn say, ông Điều, một bạn nối khố thời chăn trâu, vừa khóc vừa nói hồn nhiên như đứa trẻ: “Thôi mi đừng khóc nữa, mai tau dẫn đi tìm...”.
Câu nói như động viên bạn hóa ra lại bắt đầu một cuộc tìm kiếm, gặp gỡ kỳ lạ. Sáng hôm sau, ông Điều chở bạn đến xã Hòa Tiến, bởi hồi chăn trâu nghe loáng thoáng quê ngoại ông Tiếp ngày xưa ở đó. Họ đi tìm em nhưng chẳng có thông tin gì ngoài tên cha mẹ mình đã chết, không di ảnh, không mồ mả.
Đến đầu làng, ông Tiếp dừng xe tấp vào quán nước gặp một bà lão. Ông Tiếp nói với bà lão tên cha mẹ mình. Bất ngờ bà bảo “vợ chồng nhà nó chết trẻ, bỏ lại hai đứa con nhưng không biết hai đứa đó giờ sống chết ra sao”. Ông Tiếp run rẩy mừng rỡ khi nghe bà lão nhắc đến đó, ông hỏi tới tấp: “Vậy giờ bà có biết dưới làng còn ai thân thích không, con là con trai...”. . Bà lão chỉ tay về phía cuối làng nói: “Con đi về dưới kia, mợ con còn sống”. Giữa trưa nắng Tiếp bỏ chạy một mạch về làng. ông đứng trước một bà cụ tuổi đã gần 80 nói “con là Tiếp đây”. Bà lão sửng sốt, quệt mắt chằm chằm nhìn vào ông Tiếp rồi bảo: “Tiếp, Tiếp... con còn sống hả con”. Ngay lập tức bà lão nói như sét đánh vào tai ông Tiếp: “Con còn đứa em gái, con Tới nó lấy chồng về sống trong Quảng Ngãi”. Đứng giữa sân nhà giữa trưa đứng bóng, ông Tiếp nhìn lên trời khóc như đứa trẻ.
Tin ông Tiếp trở về, phút chốc đã đến tai người em. Chỉ ít phút sau, máy điện thoại ông đổ chuông với số lạ. Đầu dây bên kia chỉ kịp nói “em Tới đây” rồi khóc, khóc nghẹn ngào. Sáng hôm sau ông đón xe vào Quảng Ngãi. Đứa em gái cũng ra đứng ở ngã ba đường chờ ông. Chiếc xe khách vừa trờ tới ngã ba Thạch Trụ, ông Tiếp bước xuống. Phía bên kia đường một phụ nữ lao ra siết chặt bấu víu vào vai ông khóc ngây dại: “Anh đi đâu mà không tìm em”.