Hồi đó, đã lâu lắm rồi tôi đi quay phim ở Tháp Mười là một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp. Xe từ Sài Gòn xuống, qua Trung Lương, đến ngã ba An Hữu thì quẹo phải. Đi miết, đi miết.
Đoàn phim đóng đô tại bệnh viện 30/4 thuộc thị trấn Mỹ An, cạnh một con kênh lớn, tàu ghe thường xuyên qua lại. Đa số thanh niên trong đoàn ra tắm ở dòng kênh, tha hồ bơi lặn. Mỗi chiều khi đi quay về, tắm rửa xong là chúng tôi ra bến đò qua chợ.
Chợ Mỹ An bán đủ thứ, từ cây kim, sợi chỉ cho đến quần áo, thức ăn. Tiệm cơm đoàn phim hay ghé vừa ngon vừa rẻ. Ăn uống no say xong, một số anh em rủ nhau đi chơi bi-da, số khác uống cà phê, phụ nữ thì đi xem áo quần, trang sức, mỹ phẩm.
Bệnh viện bố trí cho đoàn phim ở một khu biệt lập, có lẽ là nhà ở của nhân viên, nhưng chỉ thấy có vài người. Chỗ ở gồm ba dãy, hai dãy đối diện nhau, dãy còn lại nhìn qua là đường xuống nhà ăn tập thể, chính giữa là vuông sân rộng lớn, có lưới bóng chuyền với vạch phát bóng và khu phát bóng đầy đủ. Chúng tôi chia nhau những căn phòng rộng khoảng 15 mét vuông, có sẵn những chiếc giường đôi và chiếu gối. Hai dãy của nam kế nhau, phía bên kia sân là của nữ. Sát lề sân chỗ nào cũng có vài băng ghế đá. Chiều mát chúng tôi thường ra ngồi chơi, đọc sách, xem đấu bóng chuyền.
Mỗi ngày chúng tôi phải đi quay rất xa. Đi bằng tàu lớn. Ăn sáng xong, 7 giờ là tàu chạy, chạy hoài chạy hoài, 10 giờ mới đến bối cảnh. Đó là một căn nhà lá trên sông, cách bờ mươi mét.
Đi trên tàu, mọi người trò chuyện râm ran, vài người chụm lại bên bàn cờ tướng. Sáng nước ròng, những dề lục bình trôi xuôi, bông điên điển nở vàng, lung linh sóng.
Đến bối cảnh, anh em xuống đồ, máy quay, phục trang, đạo cụ. Các vật tư khác như phản quang, đường ray xe trượt (dolly) hoặc thiết bị đèn mỗi ngày quay xong là xếp lại để trong góc nhà. Nhân viên hoá trang bắt đầu làm việc. Diễn viên lo học thoại, đạo diễn xem kịch bản phân cảnh để dặn dò. Tổ quay dàn dolly, đặt máy. Gần một tiếng sau, cảnh quay đầu tiên trong ngày bắt đầu. Tiếng “action” của đạo diễn vang lên, máy chạy rè rè, các diễn viên khởi động.
Trưa, anh kịch vụ đi mua cơm hộp ở chợ đâu đó mang về, cả đoàn ngồi tụm năm tụm ba dùng bữa. Cơm ở đây nấu ngon mà rẻ. Ai ăn một hộp không no thì có cơm thêm và dưa leo, rau cải. Gió mát rượi từ dòng kênh ùa lên làm khô những giọt mồ hôi trên trán những người làm việc nơi hiện trường. Những tiếng cười đùa vui vẻ.
Lúc chiều về, lên tàu thì nắng đã tắt. Mọi người được nghỉ ngơi ba tiếng khi tàu chạy. Dòng kênh nước lớn mênh mông, thấp thoáng xa xa những chuyến đò ngang đò dọc, con tàu của khách thương hồ trôi xuôi về những miền xa lắc.
Chúng tôi về đến bệnh viện, thảy ba lô vô phòng rồi ào ra kênh tắm. Nước lớn sát mép cầu xi măng, tôi nhảy ùm xuống kênh bơi lặn. Dòng nước sạch, trong xanh khiến mọi người thích thú. Ở Sài Gòn, đi hồ bơi cũng không có được cảm giác như vậy. Chúng tôi thấy gần gũi hơn với môi trường trong lành, có cảm giác như đang ở vùng thiên nhiên hoang dã.
Rồi có nhiều bữa quay đêm, bối cảnh trong bệnh viện hoặc ở một nhà dân, một khúc đường ngoài thị trấn Mỹ An, hai bên là ruộng đồng bát ngát. Đoàn phim đặt nhà ăn tập thể nấu ca ba. Có hôm là cháo thịt, hôm hủ tíu, có bữa bánh canh. Nhà ăn nấu rất ngon, tôi để ý không khi nào còn thừa mứa. Ban đêm nhà ăn còn phục vụ cả nước uống và cà phê. Chúng tôi quay, sớm lắm là 11 giờ đêm mới kết thúc.
Thời đó, các đoàn phim khác đi đâu đều có mang theo hai chị cấp dưỡng để phục vụ ăn uống. Riêng đoàn này, vì tính chất đặc biệt như đi quay sông nước, không có chỗ nấu ăn nên không có cấp dưỡng. Nhưng chúng tôi được cái may mắn là ở vùng này cơm nấu quá ngon, giá cả phải chăng, thức ăn đa dạng.
Xa nhà lâu ngày, tuổi còn trẻ nên dễ phát sinh tình cảm. Tôi quen bé hoá trang tên T.V mới có 23 tuổi. T.V ở phòng đối diện, cách cả một vuông sân, chung với cô tổ trưởng hoá trang và hai diễn viên nữ. Chiều nào cơm nước xong tôi đều qua đấy, ngồi ngoài băng đá hút thuốc, chờ đợi. Nhưng thật ra T.V chẳng có hẹn hò gì cả. Cô ấy cứ ở miết trong phòng. Có hôm tôi nghe cô diễn viên nói:
Ảnh ngồi đợi ngoài ghế đá kìa.
Một lúc sau T.V mới ra, mĩm cười hỏi tôi:
Anh không đi cà phê với mấy ảnh à?
Tôi vui lắm, đáp lời:
Không. Anh ở nhà, qua đây chờ em ra nói chuyện chơi.
Thật ra T.V rất ít nói, nhưng không hiểu tại sao với tôi cô ấy thật linh hoạt, nói chuyện nhiều và còn hay nữa. Chúng tôi nói đủ chuyện trên đời, từ chuyện đoàn phim đến chuyện sách báo. Tôi biết T.V rất mê đọc sách, truyện nên hỏi:
Em xem “Vĩnh biệt Gun-xa-rư “ của Ai-ma-tốp chưa?
Dạ chưa anh. Của Liên Xô hả anh?
Ừ, nhưng ông này là người Kyrgyzstan, viết văn bằng hai thứ tiếng luôn, tiếng Nga và tiếng Kyrgyzstan.
Hay lắm hả anh.
Tuyệt vời. Anh đọc đi đọc lại ba lần rồi đó. Để về Sài Gòn anh đưa em xem.
Dưới cặp mắt của anh em đoàn phim, tôi và T.V giống như một cặp đôi vừa mới kết. T.V đối với tôi có lẽ cũng có nhiều xúc cảm. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý định tiến thêm bước nào nữa, chưa bao giờ dám nắm lấy tay cô ấy chứ đừng nói là một nụ hôn. Chỉ có một lần khi đi đò qua sông, tôi xuống trước và nắm tay cô ấy đỡ xuống sau. Chỉ có nhiêu đó thôi mà đêm về không ngủ được. Lần khác, hai đứa ngồi băng đá chờ ăn ca ba, khi mọi người đã vào nhà ăn hết, tôi và T.V đứng lên vào sau. Không biết tay của chúng tôi đã đan nhau tự lúc nào.
T.V có đạo gốc Công Giáo. Một bữa uống nước gần nhà cô ấy tôi giả bộ nói:
Anh muốn theo đạo để cưới em. Em thấy được không?
T.V hơi ngạc nhiên một chút:
Không được đâu. Ba mẹ em khó lắm, không chịu rể có một đời vợ đâu.
Tôi nhìn T.V mà thương quá. Từng tuổi này mà cô ấy chưa có bạn trai, cũng chẳng quan tâm gì về chuyện ấy. Tôi cảm thấy mình đang chơi một trò đùa ác độc. Dừng lại thôi tôi ơi, tội nghiệp con gái người ta lắm.
Vậy là tôi không chủ động quan hệ với T.V nữa. Mỗi đứa lại đi mỗi đoàn nên ít gặp nhau. Thêm mấy năm trôi qua, tôi thấy T.V vẫn ở vậy không lấy chồng. Cả bạn trai cũng không.
Một lần khác, tôi bệnh phải nằm viện, khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi nằm thiêm thiếp trên giường, vừa mở mắt ra đã T.V ngồi bên cạnh. T.V đi với một chị bạn vào thăm tôi, ân cần hỏi han và khuyên tôi ráng giữ gìn sức khỏe. Tôi cảm động lắm, định nắm lấy tay T.V nhưng không dám. Rồi cô ấy ra về, ánh mắt buồn rười rượi.
Một thời gian rất lâu sau, một hôm tôi và thằng đệ đang đi tìm nhà làm bối cảnh quay phim ở quận 7, thấy một căn nhà đúng như trong kịch bản liền ghé vô xin quay. Tiếp tôi là ông chủ nhà tóc đã hoa râm. Ông đồng ý cho đoàn phim thuê nhưng căn dặn:
Nhà này chỗ nào cũng quay được hết, trừ một phòng trên lầu. Phòng đó của con gái tôi, nó đang bên Mỹ. Để tôi đưa mấy anh đi xem nhé.
Ông chủ vừa đi vừa nói:
Con gái tôi hồi trước cũng làm hãng phim đó chứ.
Tôi thắc mắc:
Con gái bác làm khâu nào trong đoàn phim vậy?
Nó làm hoá trang.
Tôi hồi hộp:
Con gái bác tên gì?
Nó tên là T.V.
(20/5/2020)
Sĩ Huỳnh
http://sihuynh.home.blog/